Solana (SOL coin) là gì? Những điều cần biết về đồng SOL

Solana (SOL coin) là gì? Những điều cần biết về đồng SOL

SOL coin là đồng tiền điện tử chính thức của nền tảng Solana. Dự án được biết đến với tốc độ phát triển chóng mặt theo cấp số nhân và trở thành blockchain phát triển nhanh nhất thế giới chỉ sau 1 năm ra mắt. Nhưng liệu, đây có phải là thành tựu đạt được do “thực lực” và sự khác biệt nào đã làm nên thành công của Solana? Hãy cùng Cafe des Epices tìm hiểu xem SOL coin là gì cũng như ưu, nhược điểm của dự án này nhé.

Solana là gì?

Solana là một blockchain đơn chuỗi mã nguồn mở, phi tập trung. Nền tảng được thiết kế để hỗ trợ các giao dịch ngang hàng, cho phép các nhà phát triển tạo hợp đồng thông minh (smart contract), xây dựng các ứng dụng phi tập trung (dApp), tương tự như các ứng dụng thông thường (Twitter, Facebook…), nhưng với sự trợ giúp của blockchain, chúng loại bỏ các trung gian. 

solana la gi

Solana có khả năng xử lý giao dịch cực nhanh với chi phí giao dịch cực thấp. Đặc biệt, nền tảng vẫn đảm bảo được tính phi tập trung và độ bảo mật cao. Lý do là blockchain Solana áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới được gọi là Proof of History (PoH). 

Dự án được thành lập vào năm 2017 bởi Anatoly Yakovenko. Mạng lưới Solana đã chính thức khởi chạy vào năm 2020. Hiện, dự án đang được quản lý và phát triển bởi Solana Foundation và Solana Labs. Trong khi Solana Foundation chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển cộng đồng thì Solana Labs đảm đương vị trí đóng góp chủ chốt cho mạng lưới.

>> Xem thêm: BNB coin là gì?

Đội ngũ sáng lập Solana

Đội ngũ phát triển Solana hội tụ hàng loạt các nhân vật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, vận hành và ngành công nghiệp blockchain. Trong đó có thể kể đến như:

  • Anatoly Yakovenko (Founder – CEO): Ông là người quan trọng nhất của dự án Solana. Anatoly có bằng cử nhân Khoa học Máy tính tại Đại học Illinois tại Urbana. Ông cũng là nhà đồng sáng lập Alescera (một công ty khởi nghiệp VOIP). Ông từng là kỹ sư phần mềm tại Dropbox, Mesosphere. Năm 2017, ông bắt đầu khởi động dự án mới chính là Solana.
  • Greg Fitzgerald (Co-founder & CTO): Ông là kiến trúc sư chính và là CTO của Solana. Trước đây, Greg từng là cựu kỹ sư phần mềm tại Alescere và Qualcomm.
  • Raj Gokal (COO): Raj có hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý tài chính. Ông được biết đến là nhà đầu tư mạo hiểm tại General Catalyst. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ điều hành mảng vận hành, tài chính và sản phẩm tại Solana Labs.
  • Eric Williams (Co-Founder & Chief Scientist): Eric đứng đầu khối nghiên cứu về data science và tokenomics tại Solana Labs. Trước đây, ông học vật lý hạt tại Berkeley và đã nhận bằng tiến sĩ từ Columbia khi nghiên cứu hạt Higgs tại CERN. Ông còn là lãnh đạo khoa học dữ liệu tại Omada Health.

doi ngu sang lap Solana

Ngoài bốn nhân vật chủ chốt đã giới thiệu bên trên, đứng đằng sau thành công của dự án còn có Hsin-Ju Chuang, Stephen Akridge, Rob Walker, Jeff Levy… Họ đều là người có kinh nghiệm và am hiểu sâu sắc về lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý blockchain.

Lịch sử hình thành Solana

Vào năm 2017, Anatoly Yakovenko đã xuất bản bản thảo whitepaper mô tả chi tiết kỹ thuật chấm công mới cho các hệ thống phân tán được gọi là PoH. Và cũng trong sách trắng này, Solana đã lần đầu tiên được nhắc đến.

Sau đó 1 năm (2018), Anatoly Yakovenko đã quyết định hợp tác với Gred Fitzgerald – một đồng nghiệp cũ tại Qualcom để xây dựng và phát hành bản testnet nội bộ đầu tiên với bản demo và phiên bản whitepaper chính thức của dự án.

Mãi đến tháng 3 năm 2020, Solana đã chính thức ra mắt trên Beta sau cuộc đấu giá SOL công khai huy động được 1,76 triệu đô la được tổ chức trên CoinList. Chỉ sau 1 năm ra mắt mainnet, Solana đã cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt theo cấp số nhân cả về số lượng và chất lượng.

Cách thức hoạt động của Solana

Blockchain Bitcoin và Ethereum có được tính phi tập trung và bảo mật cao nhưng lại mất đi khả năng mở rộng. Các blockchain 2.0 ra đời như Tron, EOS ra đời giải quyết được khả năng mở rộng nhưng lại mất đi tính phi tập trung hoặc tính bảo mật. 

Nhìn nhận được vấn đề nan giải này, đội ngũ phát triển Solana đã quyết định kết hợp 2 cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS) và Proof of History (PoH) cho mạng lưới của mình.

PoS được đánh giá là một cơ chế đồng thuận thân thiện với môi trường hơn hẳn PoW của Bitcoin. Những người tham gia xác thực dữ liệu giao dịch, tạo block mới trên Solana được gọi là node Validator (trình xác thực). Hệ thống sẽ chọn node đứng ra xác thực giao dịch dựa trên số lượng SOL mà họ sở hữu. 

Điểm độc đáo của Solana so với các blockchain PoS khác là “PoH”. Trong đó, PoH không phải là một cơ chế đồng thuận, nó là một cách cải thiện thời gian xác nhận thứ tự giao dịch. 

  • Nếu như với Bitcoin, cứ mỗi 10 phút hệ thống sẽ gom các giao dịch xuất hiện vào một block. Tuy nhiên, các block này lại không được sắp xếp theo thứ tự. Mỗi thợ đào sẽ tự thêm ngày giờ vào block. Song thời gian có thể khác tùy theo vị trí của từng node khác nhau, thậm chí có thể điền sai. Điều này khiến các node khác khi xác thực giao dịch phải truy xem dấu thời gian có hợp lệ hay không. Quá trình này làm gia tăng đáng kể thời gian chờ để các node xác nhận một block trên toàn mạng. 
  • PoH có nhiệm vụ xác minh trình tự và đồng nhất thời gian của các block trên mạng tại một thời điểm cụ thể. Nghĩa là các block mới sẽ được sắp xếp theo một thứ tự rõ ràng, có thể xác minh được. Validator xử lý và truyền ít thông tin hơn trong mỗi block, từ đó giảm đáng kể thời gian xác nhận một block mới. 

Để dễ hiểu hơn về PoH, bạn có thể theo dõi ví dụ về 2 cột anten phát sóng dưới đây: 

  • Cách xác nhận giao dịch của Bitcoin tương tự như hai cột anten phát sóng cùng một tần số nên dễ bị nhiễu sóng. Hệ quả là tốc độ giao dịch rất lâu. 
  • Cách của Solana là sắp xếp trình tự cho từng anten phát sóng. Ví dụ vào lúc “0 giờ 0 phút 0 giây” anten 1 phát sóng. Sau nó 1 giây, anten 2 sẽ thực hiện phát sóng. Điều này sẽ không xảy ra tình trạng bị nhiễu sóng. 

Dự án Solana có gì nổi bật?

Với tốc độ phát triển không tưởng thì chỉ sau 1 năm ra mắt, Solana đã được biết đến với hình ảnh đối thủ đáng gờm nhất của Ethereum. Dưới đây là những lợi thế nổi bật đã giúp Solana nhanh chóng vươn lên TOP đầu các dự án tiền điện tử. 

1. Tốc độ nhanh

Thời gian tạo khối (block time) của Solana chỉ trong 400ms. Để dễ hiểu, bạn có thể so sánh với với Bitcoin, thời gian tạo khối là 10 phút và với Ethereum 1.0 là 15 giây. 

Solana sở hữu hiệu suất nhanh nhanh như vậy là nhờ Solana áp dụng 8 công nghệ cốt lõi, trong đó điển hình nhất là PoH và 7 công nghệ khác bao gồm: 

  • Tower BFT: Đây là một cơ chế đồng thuận được tối ưu cho PoH. 
  • Turbine: Solana ứng dụng Turbine để chia nhỏ các dữ liệu và thực hiện truyền tải. Vì thế mà việc truyền tải các kho dữ liệu lớn cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
  • Gulf Stream: Giao thức chuyển tiếp giao dịch ít Menpool cho phép quá trình nhận và chuyển tiếp giao dịch trước thời hạn. Điều này giúp giảm thời gian xác thực và cải thiện tối ưu hóa bộ nhớ cho trình xác thực.
  • Sealevel: Đây là một công cụ xử lý smart contract song song. 
  • Piperlining: Quy trình xử lý dữ liệu đầu vào bao gồm một chuỗi các bước. Tương ứng mỗi bước là trách nhiệm xử lý của mỗi phần cứng. Lúc này, nhiệm vụ của Pipelining là đảm bảo các thành phần phần cứng của hệ thống luôn hoạt động hiệu quả nhất.
  • Cloundbreak: Solana đã tối ưu hóa khả năng đọc và ghi nhớ dữ liệu của các ổ đĩa bằng cách ứng dụng Cloundbreak. Điều đó đồng nghĩa, mỗi ổ đĩa đều sẽ được bổ sung thêm dung lượng lưu trữ cho các chương trình trên chuỗi cũng như tăng số lượng đọc và ghi đồng thời.
  • Archivers: Thay vì được lưu trữ trên trình xác thực (Validator) thì các dữ liệu của Solana được lưu trữ trên một mạng lưới các nút có tên gọi là trình lưu trữ (Archivers). Trong đó, trình lưu trữ sẽ không can thiệp vào quá trình đồng thuận. Thay vào đó, các dữ liệu sẽ được chia thành nhiều phần và được phân phối đến các nút Archiver. Nhờ vậy mà hiệu suất làm việc được tăng cao.

diem noi bat cua du an solana

2. Có thể mở rộng

Solana được tạo ra để có thể xử lý hàng ngàn giao dịch mỗi giây. Tốc độ xử lý giao dịch của Solana đang vượt lên trên cả Ethereum và Cardano. Solana đã tự tin tuyên bố có thể xử lý hơn 710.000 TPS. Đặc biệt, phí giao dịch cho cả nhà phát triển và người dùng vẫn chỉ dưới 0,01 đô la. Trung bình phí giao dịch trên nền tảng là khoảng 0,00025 đô la. 

3. Phi tập trung

Mạng lưới Solana được xác thực bởi hàng nghìn node hoạt động độc lập với nhau, đảm bảo dữ liệu của bạn luôn an toàn và chống lại sự kiểm duyệt. 

Tính đến tháng 1/2023, đã có 1985 nodes validator đang hoạt động trên mạng lưới. 

4. Khả năng bảo mật cao

Solana cải thiện tính năng bảo mật bằng cách áp dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake và cơ chế đốt coin. Cụ thể:

  • Thông qua cơ chế đồng thuận Proof of Stake, Solana khuyến khích chủ sở hữu SOL coin tham gia stake coin cho Validator. Một khi các Validator xác thực thành công thì không chỉ các Validator được nhận mà phần thưởng này còn được chia cho những người đã staking cho họ. Nhờ vậy mà càng có nhiều người tham gia vào mạng lưới, từ đó giúp tăng tính bảo mật.
  • Cơ chế đốt coin có thể được hiểu đơn giản như sau, các khoản phí được thanh toán bằng SOL sẽ được đốt để ngăn chặn lạm phát và tăng tính khan hiếm cho đồng SOL. Cơ chế giảm phát sẽ thu hút nhiều holder tham gia hơn. Điều này có ý nghĩa không nhỏ trong công tác gia tăng tính bảo mật của nền tảng.

5. Tiết kiệm năng lượng

Nhờ sử dụng cơ chế đồng thuận PoS và hàng loạt các công nghệ đổi mới khác giúp giảm thiểu tác động của nó đối với môi trường. Mỗi giao dịch trên Solana chỉ tiêu tốn năng lượng tương đương với một vài tìm kiếm trên Google. 

6. Hỗ trợ đa ngôn ngữ lập trình cho smart contract

Mục tiêu hướng đến của Solana là các dự án đang chạy trên nền tảng. Chính vì lẽ đó, không giống như EVM, Solana hỗ trợ đa ngôn ngữ lập trình cho smart contract. Cụ thể như: Rust, C, C++, Libra’s Move,.. 

Trong đó, C/C++ và Rust đều là những ngôn ngữ lập trình phổ biến mà hầu hết ai là lập trình viên cũng biết cách ứng dụng. Nhờ vậy mà Solana có thể dễ dàng thu hút và xây dựng được một công đồng đồng đông đảo các nhà phát triển. Và cộng đồng này cũng chính là nền móng quan trọng cho sự phát triển của mạng lưới trong tương lai.

Ngoài ra, Solana còn dành sự quan tâm đặc biệt cho các nhà phát triển dự án trên nền tảng thông qua các chương trình với hàng triệu giải thưởng lớn. Nổi bật nhất có thể kể đến chính là Solana Hackathon.

SOL coin là gì?

SOL là đồng tiền điện tử chính thức của nền tảng Solana, ra đời vào tháng 3 năm 2020. Nó được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn SPL (tương tự như tiêu chuẩn ERC-20).

Đơn vị nhỏ nhất của Solana là Lamport. Cụ thể, 1 SOL = 2^34 Lamport.

Thông tin chi tiết về đồng SOL:

  • Ticker: SOL
  • Loại Token: Utility Token
  • Blockchain: Solana
  • Tiêu chuẩn Token: SPL
  • Đơn vị thay thế: Lamport (1 SOL = 2^34 Lamport) 
  • Block time – Thời gian để thực hiện 1 khốai: 400ms
  • Thời gian giao dịch trung bình: 50,000 – 65,000 TPS
  • Thuật toán đồng thuận: PoS & PoH
  • Tổng cung tối đa: 1.000.000.000 SOL
  • Lượng cung lưu hành: 367.932.725 SOL (T1/2023).

SOL coin dùng để làm gì?

SOL coin được dùng cho các mục đích sau:

  • Staking để tham gia vào quá trình xác nhận và nhận thưởng.
  • Chủ sở hữu SOL coin được quyền tham gia bỏ phiếu cho các sửa đổi, cập nhật của mạng lưới Solana.
  • Thanh toán các khoản phí trên Solana, điển hình như phí giao dịch và phí hợp đồng thông minh.
  • SOL coin được sử dụng làm phần thưởng cho các thợ đào – những người giúp đảm bảo tính ổn định và an toàn cho mạng lưới.

Có nên đầu tư vào SOL coin không?

Trong 3 năm trở lại đây, sự nổi lên của Solana được xem là một thứ gì đó rất khác biệt. Dự án liên tục có mặt trong top các bảng xếp hạng về mặt tăng trưởng ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, bên dưới bề nổi, Solana cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.

1. Ưu điểm

  • Solana có thể xử lý lên tới 710.000 giao dịch mỗi giây, bỏ xa Ethereum chỉ với 25 giao dịch/giây.
  • Phí giao dịch thấp, dưới 0,01 đô la cho mỗi giao dịch.
  • Nền tảng được đánh giá là blockchain có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới trong giới crypto. Số lượng các nhà phát triển tham gia Solana trong năm 2022 tăng gấp đôi so với Ethereum.
  • SOL có tính thanh khoản cao và hiện đang được niêm yết gần như trên tất cả các sàn giao dịch uy tín như Bitmax, Bithumb Global, Binance, Huobi, OKEx, MXC, Gate.io,…

sol coin

2. Nhược điểm

  • Một phần lớn SOL nằm trong tay các nhà đầu tư ban đầu và đội ngũ phát triển. Điều này mang đến một vài hạn chế nhất định cho công tác phân bổ phi tập trung đồng SOL.
  • Liên tục có các dự án phát triển trên Solana bị tấn công và chịu thiệt hại nặng nề, vô hình khiến các nhà đầu tư vào nền tảng bắt đầu có sự nghi ngại về tính bảo mật và độ ổn định của hệ thống.
  • Đội ngũ phát triển Solana chưa thể đưa ra được giải pháp nào cho sự cố “đứng hình” liên tục 18 tiếng mà nền tảng đã từng đối mặt.
  • Số lượng dApp được xây dựng trên Solana rất đông đảo. Tuy nhiên, số dApp nổi bật thì lại không nhiều.
  • Nhiều người nghi ngại hệ thống sẽ có lỗ hổng khi ứng dụng quá nhiều công nghệ trong cùng nền tảng.

Ví lưu trữ đồng SOL

Ví Solana (Solana Wallet) là nơi lưu trữ SOL và các token tiêu chuẩn SPL trong nền tảng Solana. Bên cạnh việc thực hiện các giao dịch gửi – nhận thông qua Solana Wallet, chủ sở hữu còn có thể sử dụng để tham gia tương tác với các ứng dụng trên nền tảng để thực hiện staking, lưu trữ NFT, tăng tính thanh khoản,…

Ngoài Ví Solana, một số ví lưu trữ SOL coin uy tín đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khác như: Ledger, Trezor, Trust Wallet, Math Wallet, Atomic, SolFlare…

Kết luận

Thông qua các thông tin trong bài viết này có  lẽ mọi người cũng đã phần nào biết được sol coin là gì, cũng như nắm được các thông tin nổi bật nhất về dự án. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích được ít nhiều cho hoạt động đầu tư sắp tới của bạn. Chúc bạn thành công!

admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *